KỸ NĂNG TRÁNH CÁC LOẠI HÌNH ĐA CẤP CHO SINH VIÊN
16/09/2023 - Lượt xem: 1179

Sinh viên đi làm thêm làm thế nào để tránh rơi vào bẫy kinh doanh đa cấp???

Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều quốc gia, khu vực và thu hút nhiều người tham gia, có những doanh nghiệp kinh doanh được cấp phép và ngược lại cũng còn rất nhiều cơ sở kinh doanh đa cấp trái phép và ngày càng xuất hiện nhiều biến thể. Nếu không hiểu biết rõ về phương thức kinh doanh này thường sẽ dễ dẫn đến bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Mỗi lựa chọn của sinh viên dành thời gian học tập hay đi làm thêm đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Không đi làm thêm, sinh viên phải xác định dồn toàn thời gian cho việc học hoặc đi làm thêm thì có thêm được những kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, nên nếu lựa chọn làm thêm, bạn cũng nên ưu tiên những công việc phù hợp và hỗ trợ ngành nghề sau này. Đặc biệt cẩn thận và tránh xa các hình thức đa cấp bất chính đang hoành hành và “bủa vây” sinh viên, nhất là các sinh viên năm nhất thuộc các trường đại học nằm trên địa bàn Hà Nội. Bài viết dưới đây sẽ giúp sinh viên nhận diện các loại đa cấp “đểu”, đa cấp “lừa đảo”, nhận biết để “tránh tiền mất tật mang” cũng như tìm được các việc làm thêm chính đáng khi bước vào cuộc sống tự lập xa nhà.

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa tựu trường, khi các tân sinh viên “chân ướt chân ráo” còn lạ lẫm với cuộc sống mới thì hoạt động lừa đảo đa cấp lại hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết với các giọng điệu: “Việc nhẹ lương cao, thời gian linh hoạt”, “Rủ càng đông hoa hồng càng khủng”. Dưới đây là một số đặc điểm nhận dạng mà các chuyên gia đề cập khi nhắc đến các doanh nghiệp đa cấp lừa đảo:

+ Yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

+ Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.

+ Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.

+ Khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.

+ Cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

+ Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.

+ Bán hàng đa cấp đó buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.

Bên cạnh chiêu trò dụ dỗ sinh viên tham gia bán hàng đa cấp (hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…), kêu gọi người thân quen cùng tham gia buôn bán để gia tăng lợi nhuận,… hiện nay, đa cấp đã biến tướng dưới nhiều vỏ bọc:

+ Mở các lớp học kỹ năng, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để trở thành doanh nhân thành đạt;

+ Tuyển dụng nhân viên sau đó yêu cầu đặt cọc để “giữ chỗ” việc làm.

+ Tuyển người đánh giá sản phẩm, mua đi – bán lại hàng hóa trên các ứng dụng điện thoại để nhận hoa hồng,…

+ Đầu tư tài chính, tiền ảo theo mô hình đa cấp (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân BO,…)

+ Sinh viên sập bẫy vì những lời dụ dỗ ngon ngọt “việc nhẹ lương cao”, “rủ càng đông hoa hồng càng khủng”, “lợi nhuận 10-80%/ngày”…

Thậm chí, để tăng “uy tín” cho việc dụ dỗ, thuyết phục sinh viên tham gia bán hàng đa cấp và các khóa học; các đối tượng còn lấy hình ảnh, tên tuổi của sinh viên khóa trước hoặc các Thầy/Cô giáo trong Nhà trường để cắt ghép, rao giảng và cho rằng hệ thống bán hàng này có sự tham gia của sinh viên khóa trước và các Thầy/Cô nên các bạn sinh viên cứ “yên tâm” tham gia.

Trường Đại học Thành Đô chú trọng trong nâng cao ý thức cảnh giác của sinh viên về các hình thức đa cấp trá hình, cờ bạc, ma túy, cầm đồ, cá độ… Đặc biệt nhấn mạnh Khi gặp bất cứ vấn đề gì, sinh viên nên liên hệ với thầy cô, gia đình để được chia sẻ, hỗ trợ; không nên giấu giếm hay “phóng lao theo lao”, hậu quả sẽ rất khó lường.

Sinh viên trường Đại học Thành Đô được rèn giũa kỹ năng sống, an ninh, an toàn ngay tại Tuần lễ tuần sinh hoạt công dân

Sinh viên làm gì để tránh “bẫy” đa cấp?

Sinh viên cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh rơi vào “bẫy” đa cấp lừa đảo:

+ Tìm hiểu về đơn vị, tổ chức hoặc công ty mà sinh viên có ý định học tập hoặc tham gia làm việc. Hỏi thêm ý kiến của người đã từng tham gia và nghiên cứu tài liệu, thông tin về công ty.

+ Tránh xa những công ty yêu cầu đặt cọc tiền để “giữ chỗ” việc làm.

+ Tìm hiểu kỹ thông tin về các chương trình, khóa học và hoạt động, công việc được tuyên truyền trên mạng xã hội hoặc thông qua các nguồn tin không rõ nguồn gốc khác. Nếu có bất kỳ hình thức nào của đa cấp, sinh viên nên tránh xa

+ Tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty, vị trí việc làm, công việc cụ thể.

+ Tránh đặt tiền vào những cơ hội đầu tư không rõ ràng hoặc không có giấy tờ chứng minh.

+ Không có bữa ăn nào miễn phí. Vì vậy không nên tin tưởng vào các lời giới thiệu với lời hứa thu nhập cao mà không cần bỏ ra quá nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

+ Tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân.

Bản thân mỗi sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ, nâng cao ý thức cảnh giác, hết sức cẩn trọng với các hoạt động đầu tư tiền, kinh doanh tiền ảo, dịch vụ, bất động sản, dịch vụ giáo dục, thương mại điện tử lợi dụng mô hình đa cấp… rầm rộ trên các mạng xã hội hiện nay, vì nguy cơ vướng vào đa cấp bất chính đối với các mô hình này rất cao. Nâng cao cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi… kêu gọi đầu tư, mời chào kinh doanh đa cấp.

Trung tâm Việc làm Trường ĐH Thành Đô có vai trò định hướng, kết nối việc làm cho sinh viên. Khi có mong muốn tìm kiếm việc làm thêm, sinh viên kết nối với Trung tâm để được hỗ trợ, giới thiệu việc phù hợp, đúng chuyên ngành học tập với các doanh nghiệp đã có các ký kết hợp tác với Nhà trường hoặc các doanh nghiệp đã được kiểm chứng về độ tin cậy. Các vị trí công việc được mô tả cụ thể, rõ ràng, minh bạch về mức lương, các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ và khen thưởng hiệu suất làm việc để sinh viên cân nhắc lựa chọn.